Giới thiệu về trồng rau mầm tại nhà


Giới thiệu về trồng rau mầm tại nhà

Sinh viên Trường Đại học Tây Bắc chăm sóc rau mầm.
Mấy năm gần đây, nghề trồng rau đã khẳng định là một trong những nghề cho thu nhập cao, không hiếm những mô hình trồng rau cho thu nhập từ 80 đến trên 100 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, nghề trồng rau chưa được quy hoạch chi tiết, còn mang tính tự phát, chưa sản xuất chuyên canh, vẫn bị phụ thuộc vào thiên nhiên, năng suất thấp. Mặt khác, do lợi ích trước mắt hoặc chưa am hiểu kỹ thuật của người sản xuất và người buôn bán nên việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích, không đúng hướng dẫn làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng và môi trường.
Xuất phát từ thực tế trên, năm 2008, nhóm nghiên cứu trường Đại học Tây Bắc do thầy giáo Nguyễn Tiến Thăng làm chủ nhiệm đề tài đã thực hiện dự án trồng rau mầm. Từ năm 2009 đến nay đã thực nghiệm thành công và đưa ra quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc trên 10 loại rau mầm các loại. Theo quy trình này, chỉ cần tận dụng khoảng không gian trên sân thượng, sân trước và sân sau là có thể trồng được rau mầm. Rau mầm được trồng theo phương pháp 4 không, nghĩa là không đất (trồng trên bột xơ dừa, trấu hun, cát…), không phân hóa học, không thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng và không dùng nước nhiễm bẩn để tưới cho rau. Sau khi gieo hạt, khoảng 6-8 ngày là có thể thu hoạch. Rau mầm chỉ cần ánh sáng tán xạ và đa số các loại rau phổ biến hiện nay đều có thể trồng rau mầm được.

Giới thiệu về trồng rau mầm tại nhà

Để trồng rau mầm cần chuẩn bị khay làm bằng tấm xốp, một giá cao 4 đến 6 tầng để khay làm bằng tre, gỗ, sắt, chân giá cao 25 - 30cm, mỗi tầng cách nhau 20-25cm để thuận tiện chăm sóc. Mỗi khay cần đục từ 10 đến 12 lỗ tròn (đường kính 0,5 - 0,6cm) ở đáy để thoát nước khi tưới. Trước khi đưa vào sử dụng tất cả các khay đều phải rửa sạch bằng nước được khử 03 (ôzôn) để loại bỏ các mầm bệnh gây hại cho rau. Đồng thời, chuẩn bị giá thể (sơ dừa, trấu hun, cát...) để trồng rau mầm, mỗi một giá thể có thể tái sử dụng lại đến 3 lần. Tuy nhiên, để sử dụng lại giá thể đã trồng rau mầm cần loại bỏ hết lá và rễ rau của lần trước, sau đó rửa bằng nước sạch và phơi thật khô từ 2 đến 3 nắng để tránh sự phát triển của mầm bệnh.
trồng rau mầm tại nhà


Nếu sử dụng cát, chọn loại cát xây thông thường, rửa sạch và phơi khô trước khi cho vào khay. Sử dụng bột xơ dừa thì mua loại xơ dừa đã được làm sẵn, đóng thành các kiện vuông bọc trong túi nilon dày (loại xơ dừa này có bán tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp). Trước khi cho xơ dừa vào khay cần xé nhỏ, bóp cho tơi bột để tạo mặt bằng, tăng khả năng giữ nước. Sau đó, tưới phun cho giá thể, khi cầm trên tay, giá vừa đủ mềm xốp, ẩm tay nhưng không nhỏ giọt nước, rải đều vào các khay tạo thành một lớp dày từ 3 - 4cm. Còn sử dụng trấu hun thì chọn loại trấu mới, nếu là trấu để lâu cần chọn loại khô, không lẫn tạp chất và hun trấu cháy đen nhưng vẫn giữ nguyên hình dạng. Khi ủ hun trấu cần tưới nước theo kiểu phun sương vào đống trấu, gạt những phần trấu đã cháy thành than (có màu đen) ra và tiếp tục tưới nước vừa đủ để phần trấu này không tiếp tục cháy.

Trước khi gieo hạt giống, bà con nên phơi lại hạt giống trước khi ngâm ủ; hạt giống để gieo đủ trên khay có diện tích gần 0,2 m2 thì cần 20 đến 22 gam hạt giống; trước khi gieo ngâm hạt rau trong nước ấm khoảng 50 đến 55 độ C (theo tỷ lệ 2 sôi, 3 lạnh) trong khoảng 3 đến 4 giờ, khi thấy vỏ ngoài của hạt căng đều, không còn nhăn nheo thì để thêm khoảng 30 đến 40 phút rồi lấy ra đem ủ hạt (nhiệt độ nơi ủ từ 25 đến 35 độ C là tốt nhất) vào mảnh vải mềm, ẩm từ 12 đến 15 giờ đến khi hạt nứt nanh đều là được. Sau khi gieo hạt xong, trong 2 ngày đầu phải đậy kín bằng tấm bìa cát tông hoặc xếp chồng các khay. Sau khi hạt nẩy mầm đều thì xếp các khay rau lên giá đỡ hoặc chuyển ra nơi có ánh sáng (được che nắng từ 60 đến 70%, che mưa trực tiếp, có thể có nắng nhẹ vào sáng sớm), tưới nước 2 lần/ngày. Nước tưới phải là nước sạch và không cần bổ sung bất kỳ nguồn dinh dưỡng nào trong quá trình phát triển của cây rau. Rau mầm sinh trưởng ngắn, ít sâu bệnh, cần vệ sinh giá đựng sạch sẽ, khu vực trồng phải khô ráo, thoáng mát. Nếu gặp rau bị nấm, nhổ bỏ cây bị nấm và làm vệ sinh xung quanh.

Theo quy trình thử nghiệm, chỉ sau 7 đến 8 ngày trồng rau mầm sẽ cho thu hoạch. Hiện nay, các loại rau thông dụng đã được nghiên cứu thích hợp để trồng rau mầm gồm: cải thìa, cải mèo, cải ngọt, cải ngồng, cải xanh, đậu cô ve, dền đỏ, dền xanh, cải cúc... những loại rau này có thể trồng quanh năm nhưng không nên trồng trong những ngày rét hại, cây sinh trưởng chậm.

Hy vọng với quy trình trồng rau mầm sẽ giúp các hộ dân tiếp cận với kỹ thuật trồng rau hiện đại, đảm bảo vệ sinh, có lợi cho sức khỏe và tiết kiệm được khoản chi trong thực đơn bữa ăn hằng ngày. 

0 comments:

Post a Comment